Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Cứ điểm bán lẻ của người Thái


Chính trị bất ổn tại Thái Lan đang tạo nên làn sóng các đại gia bán lẻ nước này đổ xô vào Việt Nam lập cứ điểm kinh doanh khi thời khắc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN đang gần kề.


Việt Nam là cơ hội để người Thái có thể hái ra tiền. Đó là nhận định
của Hãng tin Reuters gần đây về tiềm năng thị trường bán lẻ Việt.


Robins xuất ngoại


Hiệp hội các nhà bán lẻ
Việt Nam cho hay năm nay làn sóng các thương hiệu bán lẻ quốc tế sẽ đầu
tư dồn dập với số vốn vài trăm triệu USD cho mỗi siêu thị. Mô hình đầu
tư là trung tâm thương mại tại các đô thị chính, với mặt bằng rộng, đủ
đáp ứng sức mua lớn.


Từ đầu năm, mô hình này đã được Tập đoàn bán lẻ
Nhật Aeon đưa vào khai thác là Aeon Mall Celadon City ở quận Tân Phú,
TP.HCM với số vốn gần 100 triệu USD. Chỉ sau 3 tháng khai trương, trung
tâm này đã đón tiếp hơn 3 triệu lượt khách tới mua sắm. Đây là tín hiệu
tích cực để Aeon chuẩn bị ra mắt trung tâm thứ hai có quy mô lớn hơn về
diện tích lẫn vốn đầu tư ở tỉnh Bình Dương dự kiến vào tháng 10 tới.


Cuộc đua này không chỉ thu hút sự quan tâm của Aeon mà còn có cả các
thương hiệu bán lẻ trong khu vực. Sự kiện khai trương Trung tâm Robins ở
Vincom Royal City, Hà Nội là một minh chứng. Robins thuộc tập đoàn bán
lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group. Và trung tâm này là cơ sở đầu tiên ở
nước ngoài của Central Group.


Số vốn đầu tư trung tâm này không được tiết lộ. Tuy nhiên mới đây, bà Wallaya Chirathivat, Phó Chủ tịch phát triển kinh doanh
Central Group, đã cho biết: “Tập đoàn sẽ dành khoảng 4 – 6 tỉ baht (124
– 186 triệu USD) cho mỗi siêu thị tại một số nước trong khu vực ASEAN
mà chúng tôi thấy được tiềm năng phát triển”.


Không kém cạnh Aeon, Central Group cũng đang gấp rút đầu tư vào Trung
tâm Robins thứ hai ở TP.HCM vào cuối năm nay với quy mô lớn hơn, nhưng
hiện thông tin về cơ sở này vẫn chưa được tiết lộ.


Giám đốc Điều hành Central Group, ông Tos Chirathivat cho biết quyết
định mở rộng đầu tư chuỗi trung tâm Robins được đưa ra từ hoạt động kinh doanh hiệu quả của các chuỗi cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance tại Việt Nam hiện nay.


Chiến lược xuất ngoại của Central Group với thị trường đầu tiên là
Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố với kế hoạch đầu tư tới 9 trung tâm
thương mại vào năm 2016.


Theo tờ nhật báo Bangkok Post, kế hoạch này thuộc gói đầu tư khủng
của Central Group có giá trị lên tới 479 triệu USD trong vòng 3 năm tới
nhằm đạt mức tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%/năm. Nhằm thực thi mục
tiêu này, Tập đoàn sẽ chi khoảng 21,7 triệu USD cho các hoạt động tiếp
thị ở thị trường trong và ngoài nước.


Ngoài Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu tiên, chuỗi Trung tâm
Robins cũng đang được Central Group lên kế hoạch đầu tư tại Malaysia,
Indonesia và Campuchia.


Năm qua, chuỗi trung tâm Robinson tại Thái Lan đã đạt tổng doanh thu
754 triệu USD, tăng 12,4% so với năm 2012, lãi ròng tăng 19,8% lên mức
61,4 triệu USD.


Không chỉ có Robins


Đi trước cả Robins là tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ
FamilyMart tại Việt Nam cách đây không lâu. Việc mua lại này được tiến
hành thông qua Công ty liên doanh Thai Corporation International (TCI),
được góp vốn từ Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỉ phú Charoen và
Mongkol Group (Thái Lan). Hiện nay, 42 cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam
đã được đổi tên thành B’s mart (B là ký tự đầu tiên của Tập đoàn BJC).


Việc thôn tính FamilyMart là chiến lược mở rộng đầu tư tại Đông Nam Á
của BJC. BJC đang thực thi kế hoạch nâng doanh thu thị trường nước
ngoài lên mức hơn 50% trong vòng 5 năm tới so với 16% hiện nay bằng các
thương vụ mua bán sáp nhập.


Bình luận về thương vụ này, ông Mongkol Banthrarungroj, Giám đốc Điều
hành TCI, cho biết: “Chuỗi B’s mart dự kiến sẽ mang lại doanh thu ít
nhất là hơn 3.300 tỉ đồng trong vòng 5 năm tới. Đặc biệt, hơn 70% hàng
hóa tại đây sẽ có xuất xứ Thái Lan”.


Xa hơn, chuỗi B’s mart chính là mục tiêu tạo dựng thương hiệu cho
hàng hóa Thái Lan được phân phối rộng khắp Đông Dương và Myanmar, sẵn
sàng cho quá trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN dự kiến vào
cuối năm 2015.


Chưa hết, thời gian qua, thị trường cũng rộ lên thông tin về cửa hàng bán lẻ
7 Eleven của chủ đầu tư C.P All (Thái Lan) sắp được mở tại TP.HCM. Cơ
cấu sản phẩm tại đây dự kiến được phân bổ theo tỉ lệ khoảng 40% là hàng
Việt, còn lại là hàng Thái và các nước khác. Trong 2-3 năm đầu, C.P All
sẽ triển khai mô hình đầu tư trực tiếp chuỗi cửa hàng 7 Eleven trước khi
nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam.


Ông Piyawat Titasattavorakul, Giám đốc Điều hành 7 Eleven Thái Lan,
từng nói với tờ Bangkok Post rằng, mục tiêu của C.P All trong thời gian
tới là đẩy mạnh mô hình 3F (chăn nuôi, trang trại, thực phẩm) ở nước
ngoài, lấy Việt Nam làm tâm điểm. Theo kế hoạch, C.P All sẽ mở hệ thống
bán lẻ 7 Eleven tại các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Việt
Nam từ năm nay.


Một vị Phó Chủ tịch Tập đoàn C.P tại Việt Nam cho biết doanh nghiệp
này vẫn đặt niềm tin lớn vào thị trường Việt Nam bởi 2 lý do. Thứ nhất,
tăng trưởng kinh tế Việt Nam từng rất khả quan và tình hình đang tiến
triển dần vào ổn định. Tiếp đến, Việt Nam chính là cứ điểm để C.P có thể
bước vào 3 thị trường khác là Lào, Campuchia và miền Nam Trung Quốc


Phần Mềm Vsoft

0 nhận xét:

Đăng nhận xét